“Nhà đầu tư nước ngoài không thể bỏ qua câu chuyện tăng trưởng hấp dẫn của Việt Nam lâu hơn nữa”
Trong báo cáo mới được công bố mà HSBC mô tả là “điểm dừng chân cho các nhà đầu tư quan tâm đến Việt Nam, một thị trường chứng khoán cận biên mà chúng tôi yêu thích trong thời gian qua”, Ngân hàng có trụ sở tại London, Vương quốc Anh đã đưa ra những con số và nhận định lạc quan về nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là tiềm năng của thị trường chứng khoán.
“Chỉ trong tháng 3, có tới 113.000 tài khoản chứng khoán nội địa được mở mới ở Việt Nam, nâng tổng số tài khoản lên 3,02 triệu. Cùng với đó, tổng giá trị các giao dịch mỗi ngày đã tăng lên 725 triệu USD vào tháng 4, vượt so với 596 triệu USD của một tháng trước đó. Con số này bỏ xa 130 triệu USD của cùng kỳ năm trước”, HSBC cho biết.
Với giá trị giao dịch liên tục tăng mạnh, thị trường chứng khoán Việt Nam đã gần bằng Singapore và vượt hẳn so với Malaysia và Indonesia. VN-Index cũng tăng 12,4% từ đầu năm tới nay và lần đầu tiên phá “ngưỡng tâm lý” 1.200 điểm để tiếp tục tăng lên. Đây là mốc mà chứng khoán Việt Nam chưa thể vượt qua được trong những đợt bùng nổ năm 2007 và 2018.
Trong khi đó, kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng mạnh trở lại. Việc ngăn chặn hiệu quả đại dịch Covid-19 đã dẫn đến sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế. Cùng với đó, thanh khoản nội địa tiếp tục thúc đẩy đà tăng của thị trường, vốn cũng được hỗ trợ rất nhiều bởi sự tham gia của các nhà đầu tư nhỏ lẻ mới.
“Dù điều này làm tăng rủi ro biến động nhưng chúng tôi không nhìn thấy nguy cơ điều chỉnh lớn, nhất là khi lãi suất huy động giảm và giá vàng chịu áp lực. Ngoài chứng khoán, nhà đầu tư không có nhiều lựa chọn để ‘xuống tiền’. Sự phục hồi kinh tế được hỗ trợ bởi kết quả kinh doanh mạnh mẽ trong quý 1/2021, mang lại triển vọng tươi sáng cho cổ phiếu”, HSBC nhận định.
Chính bởi những thuận lợi to lớn trên thị trường chứng khoán Việt Nam, HSBC tin rằng các nhà đầu tư nước ngoài sẽ khó có thể bỏ qua thị trường Việt Nam lâu hơn nữa.
Thứ nhất, chứng khoán Việt Nam mang lại cơ hội lớn từ một nền kinh tế tăng trưởng linh hoạt nhất. Thứ 2, thị trường Việt Nam ngày càng lớn với thanh khoản cao. Thứ 3, giới hạn sở hữu với quỹ ngoại không phải là rào cản khi trong VN30, vẫn còn 24 cổ phiếu còn room cho nhà đầu tư nước ngoài.
Ngoài ra, ngay cả cổ phiếu đã kín room cho khối ngoại, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn có thể mua được từ chính các quỹ ngoại khác. Khi các doanh nghiệp này vẫn tăng trưởng nhưng đang được định giá rẻ hơn so với các công ty cùng ngành ở châu Á, mức chênh lệch để mua những cổ phiếu hết room này sẽ không quá lớn. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang tiến hành cải cách chính sách nhằm nới room cho khối ngoại dù hơi chậm.
Cuối cùng, VN-Index đang được định giá hấp dẫn khi P/E dự phóng 12 tháng thấp hơn 5,3% so với mức trung bình 5 năm và PB dự phóng 12 tháng cũng chỉ là 2,4 lần, thấp hơn 2,9%.
Linh Anh
Theo Tri thức trẻ
Bài viết cùng danh mục
-
Thời đến, cản không nổi, đi học IFRS cùng EAAF ngay thôi!
-
Động lực nâng hạng thị trường chứng khoán chính là các doanh nghiệp đại chúng. Thực thi chuẩn mực kế toán quốc tế (IFRS) là một trong những điều kiện tiên quyết.
-
BIM Land phát hành 200 triệu USD trái phiếu quốc tế
-
Chính thức phê duyệt Đề án áp dụng IFRS tại Việt Nam: Cơ hội cũng là thách thức trong quản trị doanh nghiệp