Động lực nâng hạng thị trường chứng khoán chính là các doanh nghiệp đại chúng. Thực thi chuẩn mực kế toán quốc tế (IFRS) là một trong những điều kiện tiên quyết.
(ĐCSVN) - Hiện nay, trong số các tổ chức xếp hạng thị trường mà tiêu biểu là MSCI và FTSE Russel, thì MSCI vẫn xếp Việt Nam trong nhóm thị trường cận biên, trong khi đó FTSE Russell tiếp tục duy trì Việt Nam trong danh sách chờ xét nâng hạng thị trường chứng khoán (TTCK) từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi. UBCKNN đã có nhiều buổi làm việc với MSCI, FTSE Russell để trao đổi, làm rõ các thông tin liên quan đến TTCK Việt Nam.
Bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, theo bộ tiêu chí FTSE Russell (cập nhật tháng 9/2020), TTCK Việt Nam đã thỏa mãn 7/9 tiêu chí nâng hạng. Tiêu chí “Chu kỳ thanh toán-DvP” bị đánh giá “Hạn chế” do nhà đầu tư phải ký quỹ đủ tiền mặt trước khi đặt lệnh. Tiêu chí “Thanh toán – Tỷ lệ hiếm khi giao dịch thất bại” không được đánh giá, do yêu cầu thanh toán (ký quỹ trước) hiện tại dẫn tới việc khả năng giao dịch thất bại gần như không tồn tại.
Ảnh minh họa (Ảnh tư liệu) |
Xét theo tiêu chí của MSCI, trong báo cáo tháng 6/2020, các tiêu chí mà Việt Nam cần cải thiện gồm: (1) Giới hạn sở hữu nước ngoài tại lĩnh vực có điều kiện; (2) TTCK bị ảnh hưởng đáng kể bởi room khối ngoại; (3) Quyền bình đẳng đầu tư nước ngoài liên quan đến thông tin tiếng Anh và room sở hữu; (4) Mức độ tự do hóa thị trường ngoại hối; (5) Đăng ký mở tài khoản phải có chấp thuận của Trung tâm lưu lý chứng khoán Việt Nam; (6) Quy định thị trường và dòng thông tin bằng Tiếng Anh và (7) Thanh toán bù trừ không có thấu chi và ứng trước tiền. Tại báo cáo này, MSCI bỏ nhận định: “Không có cơ sở thanh toán bù trừ chính thức và VSD đóng vai trò là đại lý thanh toán bù trừ”.
Từ ngày 1/1/2021, hệ thống văn bản pháp luật mới về chứng khoán, đầu tư, doanh nghiệp đều cùng có hiệu lực, tạo ra môi trường đầu tư minh bạch và hoàn thiện hơn. Trong lĩnh vực chứng khoán, nhiều quy định mới liên quan đến nâng chuẩn hàng hóa trên TTCK, tăng cường minh bạch và công bố thông tin, nâng cao điều kiện về phát hành, niêm yết chứng khoán, quản trị công ty; tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong tiếp cận nguồn vốn cả trong và ngoài nước, hỗ trợ sản xuất kinh doanh; mở rộng dịch vụ cho khối kinh doanh chứng khoán... sẽ tác động sâu rộng và mở ra nhiều cơ hội phát triển cho cả doanh nghiệp và nhà đầu tư. Hệ thống giao dịch mới và hệ thống thanh toán bù trừ theo mô hình đối tác trung tâm (CCP) vận hành trên nền tảng công nghệ của Hàn Quốc, dự kiến được triển khai trong năm 2021, là cơ hội để giải quyết các vấn đề còn vướng mắc đối với yêu cầu về thanh toán bù trừ hiện nay của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm.
Về thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài, với các quy định tại Luật Đầu tư, Nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán, không gian cho nhà đầu tư nước ngoài sẽ được mở hơn nữa.
Cũng theo Vụ trưởng Tạ Thị Thanh Bình, ngành chứng khoán sẽ tập trung triển khai các giải pháp nâng hạng TTCK gắn với phát triển bền vững, minh bạch, trong đó một số mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm như: Tập trung nỗ lực đưa các quy định, chính sách mới của Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn vào thực tiễn, để hỗ trợ cho doanh nghiệp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư; tổng kết, xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chiến lược phát triển TTCK giai đoạn 2021 – 2030 để định hình mục tiêu, giải pháp về lộ trình phát triển TTCK – thị trường vốn về dài hạn, nhằm hiện thực mục tiêu nâng hạng TTCK.
Tuy vậy, việc nâng hạng TTCK không phải là nỗ lực của riêng ngành chứng khoán hay cơ quan quản lý TTCK. Động lực nâng hạng thị trường chính là các doanh nghiệp đại chúng. Chỉ khi doanh nghiệp minh bạch, tuân thủ kỷ luật công bố thông tin; làm quen và thực thi chuẩn mực kế toán quốc tế (IFRS), phát triển bền vững, sẽ là hạt nhân để phát triển nội lực TTCK, là cái gốc của nâng hạng thị trường. Cũng còn nhiều yếu tố khác cần cải thiện để phục vụ cho mục tiêu nâng hạng thị trường như: Mức độ tự do trên thị trường ngoại hối; giảm thiểu sự can thiệp hành chính của nhà nước vào hoạt động doanh nghiệp; cải thiện độ mở của thị trường đối với các nhà đầu tư nước ngoài; tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp... Đây là những công việc cần sự nỗ lực và vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ của các bộ, ngành.../.
HA.NV
Báo điện từ Đảng Cộng sản Việt Nam
Bài viết cùng danh mục
-
Thời đến, cản không nổi, đi học IFRS cùng EAAF ngay thôi!
-
BIM Land phát hành 200 triệu USD trái phiếu quốc tế
-
“Nhà đầu tư nước ngoài không thể bỏ qua câu chuyện tăng trưởng hấp dẫn của Việt Nam lâu hơn nữa”
-
Chính thức phê duyệt Đề án áp dụng IFRS tại Việt Nam: Cơ hội cũng là thách thức trong quản trị doanh nghiệp