Chính thức phê duyệt Đề án áp dụng IFRS tại Việt Nam: Cơ hội cũng là thách thức trong quản trị doanh nghiệp
Ngày 19/3, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã có phê duyệt Quyết định số 345/QĐ-BTC Phê duyệt Đề án áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính tại Việt Nam. Theo Quyết định, mục tiêu tổng quát của Đề án là hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tài chính, kế toán; tạo dựng công cụ quản lý hiệu lực, hiệu quả cho công tác quản trị…
Đề án cũng góp phần nâng cao tính minh bạch, hiệu quả của các thông tin tài chính, trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp, bảo vệ lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, góp phần thúc đẩy hội nhập của nền kinh tế Việt Nam với khu vực và thế giới.
Đề án đưa ra mục tiêu cụ thể là: Xây dựng phương án, lộ trình và công bố, hỗ trợ áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) tại Việt Nam cho từng nhóm đối tượng cụ thể được xác định, phù hợp với thông lệ quốc tế nhằm mục đích nâng cao tính minh bạch, trung thực của báo cáo tài chính, nâng cao trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp đối với người sử dụng báo cáo tài chính.
Theo Quyết định, đối tượng áp dụng Đề án bao gồm các doanh nghiệp có nhu cầu, đủ khả năng và nguồn lực áp dụng IFRS, được xác định theo từng giai đoạn phù hợp với lộ trình được công bố; và các doanh nghiệp khác thuộc mọi lĩnh vực, thành phần kinh tế hoạt động tại Việt Nam áp dụng VFRS. Các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ không có nhu cầu và điều kiện áp dụng IFRS hoặc VFRS không thuộc đối tượng áp dụng của Đề án.
Ngoài ra, đối tượng áp dụng Đề án còn bao gồm các cơ sở đào tạo, hội nghề nghiệp và đơn vị cung cấp dịch vụ như các đơn vị có các hoạt động phối hợp nghiên cứu, đào tạo, cung cấp dịch vụ và hỗ trợ triển khai áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) và chuẩn mực báo cáo tài chính Việt Nam (VFRS).
Theo quan điểm của PwC, áp dụng IFRS sẽ đem lại lợi ích tổng thể cho doanh nghiệp, góp phần cải thiện báo cáo tài chính, tăng cường tính minh bạch cũng khả năng so sánh với các doanh nghiệp khác trên thế giới. Thông qua đó, doanh nghiệp có thể cung cấp nhiều thông tin hữu ích cho các bên liên quan và huy động được các nguồn vốn mang tính chất toàn cầu.
Tuy nhiên, để đạt được các lợi ích này, doanh nghiệp cần phải quản trị tốt các tác động tiêu cực tiềm tàng do các thách thức dưới đây:
+ Sự thiếu hụt nguồn nhân lực sẵn sàng để triển khai dự án;
+ Ban lãnh đạo thiếu các thông tin về các tác động đối với báo cáo tài chính khi chuyển từ chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) sang IFRS;
+ Hệ thống thông tin tài chính hiện tại không đáp ứng được yêu cầu để tính toán khác biệt, dẫn đến ý kiến kiểm toán có thể bị ngoại trừ;
+ Quy trình nội bộ không còn phù hợp;
+ Các bên có quyền lợi liên quan có các mục tiêu và kỳ vọng khác nhau, dẫn đến mâu thuẫn khi triển khai IFRS.
Bảo An
Theo Trí thức trẻ
Bài viết cùng danh mục
-
Thời đến, cản không nổi, đi học IFRS cùng EAAF ngay thôi!
-
Động lực nâng hạng thị trường chứng khoán chính là các doanh nghiệp đại chúng. Thực thi chuẩn mực kế toán quốc tế (IFRS) là một trong những điều kiện tiên quyết.
-
BIM Land phát hành 200 triệu USD trái phiếu quốc tế
-
“Nhà đầu tư nước ngoài không thể bỏ qua câu chuyện tăng trưởng hấp dẫn của Việt Nam lâu hơn nữa”